Trong những năm gần đây, khi những ý tưởng chụp ảnh dần trở nên bão hòa thì một xu hướng nhiếp ảnh mới lại bắt đầu có những khởi sắc, mang lại một làn sóng tươi mới thu hút sự chú ý của đông đảo giới “săn ảnh” đó chính là nhiếp ảnh tối giản hay còn gọi là minimalism (hay minimalist photography).

Có nhiều ý kiến cho rằng nhiếp ảnh tối giản đơn điệu và nhàm chán nhưng có lẽ trong những bức ảnh tối giản đó lại ẩn chứa những thông điệp, những cảm xúc thầm kín mà người chụp muốn gửi gắm mà người xem khó có thể hiểu được qua những giây đầu tiên khi xem ảnh. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, để chụp được một bức ảnh tối giản đòi hỏi ở người chụp không chỉ là sự nắm bắt khoảnh khắc mà còn ở tư duy hình ảnh và con mắt nhìn sự vật, hiện tượng. Và hơn hết, người chụp cần khiến cho người xem ảnh cảm nhận được một chút buồn man mác hay chút yên bình trong những bức hình tối giản.

Xoay quanh châm ngôn “less is more” những bức ảnh tối giản có 2 loại chính: tĩnh và động.

Đối với chủ thể là tĩnh, đôi lúc chỉ cần là một chiếc bút chì đặt trên trang giấy trắng, một khung cửa sổ nâu sẫm trên một bức tường vàng đầy nắng hay một vệt sơn đen quệt trên nền vải trắng,… vừa đủ cho một bức ảnh tối giản đồng thời tạo ra những sự tương phản nhất định

Bên cạnh đó đối với những chủ thể động, một vài đối tượng thường gặp có thể là một chú chim đang bay trên nền trời xanh trong vắt hay một người cầm chiếc ô vàng vội rảo bước trên vỉa hè xám xịt. Dù chủ thể có là gì thì điều quan trọng nhất trong nhiếp ảnh tối giản là cần loại trừ những chi tiết không liên quan, không cần thiết hoặc chỉ để lại những chi tiết, đường dẫn làm nổi bật chủ thể chính.

Làm thế nào để có được một bức ảnh tối giản? Chuyên mục Học thiết kế ngày hôm nay sẽ giới thiệu đến bạn những tiêu chí để có thể thực hiện một bức ảnh tối giản mà đầy tinh tế:

  • Đơn giản hóa mọi thứ

Ngay khi chọn được chủ thể để ghi hình, điều quan trọng trước hết cần làm là tìm cách để đơn giản hóa nó, loại bỏ những thứ rườm rà khỏi khung hình, di chuyển góc máy đặt chủ thể vào một bố cục phù hợp để đưa mắt nhìn tới đối tượng chính

  • Thêm những khoảng tương phản

Không gian tương phản ở đây không nhằm mục đích gì khác ngoài việc nhấn mạnh sự hiện diện “đơn chiếc lẻ bóng”, như một chiếc cân đong đếm kích thước của chủ thể trong khung hình

  • Chụp với một background trống

Một cách đơn giản nhất để tối giản hóa bức hình của bạn. Vừa có thể làm bật chủ thể chính đồng thời bức ảnh cũng trở nên dễ kiểm soát hơn. Đó không nhất thiết phải là bầu trời, đó có thể là một tờ giấy trắng hay sàn gỗ nâu trầm.

  • Tận dụng những màu tương phản

Điều tạo nên một bức ảnh tối giản chuẩn chỉnh là khi chủ thể mang màu tương phản nổi bật trên một background trơn. Ví dụ như bức ảnh một bông hoa đỏ trên nền trời xanh trong vắt.

  • Chỉ đưa vào khung hình một phần của đối tượng

Điều này thường được áp dụng khi đối tượng là người để tạo ra sự bí ẩn và gợi mở sự tò mò trong người xem, khi đó chỉ một cánh tay hay một bàn được đưa vào khung hình. Nhưng một lần nữa, điều quan trọng cần có là một background trống như một bức tường gạch, cánh đồng lúa,…

  • Tạo bóng ngược sáng (silhouette)

Khi chụp ngoài trời, khoảng thời gian vào bình minh hoặc hoàng hôn là thời gian dễ có những shot hình tối giản ngược sáng nhất. Đó có thể là một người đang đi bộ trên đồi với quai gánh hàng nặng trĩu trên vai. Còn đối với chụp nội cảnh, chỉ đơn giản là trong một căn phòng tối nơi nguồn sáng duy nhất là ánh sáng từ cửa sổ lại có thể cho ra đời những bức hình ngược sáng tối giản hoàn hảo nhất.

  • Kể những câu chuyện qua từng bức hình tối giản

Nhiếp ảnh tối giản về nguyên tắc là không thể có nhiều thứ trong khuôn hình nhưng đồng thời, căn góc và thời gian chụp hợp lý lại là những điều khiến một bức ảnh tối giản trở nên có hồn.

Khi chụp trên phố, góc máy có thể được di chuyển lên cao và chụp từ trên xuống và chỉ đưa vào khung hình một góc vỉa hè vừa đúng lúc có người phóng xe đi qua. Để làm cho bức ảnh thật tối giản, chúng ta cần chú ý thêm về ánh sáng và bóng đổ. Chụp trong điều kiện trời nắng gắt có thể sẽ là một thử thách lớn nhưng, mặt khác, đưa thêm vào khung hình những bóng đen có thể tạo hiệu ứng thị giác lớn cho người xem đồng thời khiến cho bức ảnh tối giản trở nên sống động hơn.

Nhưng nhiếp ảnh là sáng tạo, đôi khi không tuân theo quy tắc nào lại có thể cho ra đời những bức ảnh “xuất thần”. Chúc bạn có những bức ảnh tối giản “để đời” nhé.

>>Tham khảo thêm: RGB và những điều cần biết


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *