1.Thuật ngữ sơn mài

Bên cạnh các chất liệu hội họa như lụa, màu nước hay sơn dầu thì sơn mài cũng đóng một vai trò vô cùng to lớn cho nền nghệ thuật hội họa Việt Nam. Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954), tác giả của bức họa nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ – 1943” đã định nghĩa Sơn Mài (lacquer) là một từ mới để chỉ một kĩ thuật mà trước đây người ta gọi là “Sơn Ta”, sau đó khi xuất hiện kĩ thuật mài sơn từ này biến hóa hẳn thành Sơn Mài.

Cũng cần hiểu thêm rằng: “lacquer” trong từ điển định nghĩa Oxford là một chất liệu được phủ lên kim loại hoặc gỗ nhằm tạo một bề mặt bóng sáng. Do đó, nếu nói “lacque” không thôi thì chưa biểu thị đầy đủ ý nghĩa của sơn mài.

2. Khái niệm tranh sơn mài.

Định nghĩa về hội họa nghệ thuật là mảng vô cùng sâu rộng to lớn do đó trong phạm vi bài viết này, hiểu một cách đơn giản hơn là một trong các thể loại tranh sử dụng Sơn Ta – một chất liệu chiết xuất từ nhựa Cây sơn.

3. Tranh sơn mài được tạo từ nền tảng chính nào?

Cây Sơn có tên tiếng nước ngoài là (arbre à laque – tiếng Pháp). Trong báo cáo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, loại cây này phổ biến ở tỉnh Bắc Bộ như Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang… Cây sơn thuộc họ Đào lộn hột Anacardiaceae. Nhiều nhất vẫn là tỉnh Phú Thọ vì các vùng Phù Ninh, Lâm Thao, Cẩm Khê… đáp ứng đầy đủ các tính chất địa hình – thổ nhưỡng để trồng loại cây này. Ở một số nước cũng sử dụng loại sơn từ cây này như Nhật hay Trung Quốc, giống cây sơn ta nhưng chất nhựa bên trong nó hoàn toàn khác so với Việt Nam. Đó cũng là lí do vì sao nhựa sơn thuộc loại “Rhus Succédanéa” là một trong những giống có chất lượng chiết mủ tốt, nhất là vùng Tam Nông (Phú Thọ). Không những thế, loại nhựa sơn này lên màu đẹp, vì mang đặc thù tính chất hóa học như: cách điện, không thấm nước, liên kết ổn định với axit đặc nên sự bền bỉ của dòng tranh sơn mài cũng xuất phát từ nó.

Cây Sơn (nguồn Internet)

4. Chất liệu và vật liệu trang trí nên tranh sơn mài.

  • Nhựa sơn: mặc dù nhựa cây sơn mang tính chất đặc biệt để tạo tranh cũng như các tác phẩm nghệ thuật nhưng nên lưu tâm là nhựa sơn độc, nó là một trong những loại cây chế tạo ra Sơn Ta nhưng một khi bị dị ứng sẽ thấy các triệu chứng biểu hiện ngay ra bên ngoài: rát, khó chịu vùng tiếp xúc, lở da…
  • Vỏ trứng gia cầm: Màu tranh sơn mài được kết hợp từ nhiều nguyên liệu: vỏ trứng gà, vịt và các loại gia cầm khác sau khi bỏ phần lõi sẽ nghiền nát, trải qua quá trình sơ lược sẽ tạo một chất liệu trước khi trộn chúng vào với các hỗn hợp khác.
  • Màng xà cừ, vỏ trai: Sau quá trình rửa sạch, nghiền nhỏ và tiếp xúc ở nhiệt độ cao người ta thu được một hợp chất có màu, hơi lấp lánh 7 sắc cầu vồng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi nếu một trong số các bạn sở hữu phụ kiện từ vỏ sinh vật biển, hãy nhìn kĩ vào mặt trong. Màu sắc tự nhiên hòa quyện rất đẹp.
  • Kim loại, son cùng một số loại bột màu: Các kim loại nặng cùng bột màu là yếu tố không thể thiếu khi làm tranh. Đối với tranh sơn mài 2 màu chính được sử dụng nhiều nhất là màu cánh gián (hơi ngả nâu, đen, đỏ) và màu chiết từ khoáng vô cơ.

Không chỉ là một trong những niềm tự hào của riêng hội họa Việt Nam, Tranh sơn mài còn có sức lan tỏa ra thế giới. Vì vậy, không thể không nhắc tới các tác phẩm tranh sơn mài nổi tiếng.

5. Những tác phẩm sơn mài nổi tiếng

Vườn xuân Trung Nam Bắc 1969-1989: Nguyễn Gia Trí (1908-1993)

Vườn xuân Trung Nam Bắc 1969-1989 – Bảo vật quốc gia năm 2013

Tác phẩm này có kích thước lớn 2 x 5,4 m, hiện có tại Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Vườn xuân Trung Nam Bắc mất hơn 20 năm từ bắt đầu thực hiện cho đến hoàn thành. Tác phẩm hoàn hảo của nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.

Con nghé quả thực 1957: Nguyễn Tư Nghiêm (1922)

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ: Nguyễn Sáng (1923-1988)

Hòa bình Hữu nghị: Nguyễn Khang (1911-1989)

Dưới sự phát triển không ngừng của các chất liệu vẽ tranh hiện nay đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, tranh sơn mài bị ảnh hưởng không ít… Nhưng có một điều không thể phủ nhận được, dòng tranh sơn mài nước ta mang vẻ đẹp rất riêng biệt. Nó không chỉ là bức họa ghi dấu một khung cảnh, một làng quê, tự sự của ai đó… mà giá trị cao cả hơn trong đó là một bản sắc văn hóa hội họa Việt Nam trên dòng chảy qua bao thế kỉ.

Nguồn ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Chuyên mục: Kiến thức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *