Đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, không chỉ đơn thuần cầm máy ảnh lên và chụp là có thể tạo ra được một tác phẩm ấn tượng. Sản phẩm mà máy ảnh cho ra chỉ ở dạng 2D nhưng nếu bạn biết những thủ thuật dưới đây, bạn sẽ dễ dàng nâng tầm những bức ảnh của mình, giúp chúng có chiều sâu, có câu chuyện, có cảm xúc và có hiệu ứng 3D hơn.

1. Đường dẫn

 

Đường dẫn giúp bức ảnh có trọng tâm, qua đó, mắt người bị hút vào trong chủ thể một cách tự nhiên (Ảnh: Instagram)

Đây được xem là loại phối cảnh đơn giản, dễ thực hiện và thường gặp nhất vì nó mang lại hiệu ứng chuyển động cho bức ảnh, tạo ảo giác về không gian và hút tầm mắt người xem hơn. Thủ thuật “đường dẫn” không chỉ là tìm kiếm những đường thẳng mà bạn có thể sử dụng sự uốn lượn của dòng sông để làm nổi bật hình ảnh chiếc bè đang trôi hay biến đoàn xe lửa trở thành một vũ công ba lê khi băng băng qua những khúc cong quanh co của đường ray.

2. Tạo khung cho ảnh

Ảnh: Instagram

Để tạo khung cho ảnh, bạn có thể vận dụng một ô cửa sổ, điểm kết nối của các bức tường,…bao quanh chủ thể nhằm vẽ ra con đường đưa người xem đến gần và như chạm vào chủ thể. Với cách này, bạn sẽ dễ dàng tạo được điểm nhấn, khiến bức hình trở nên gọn ghẽ và tăng hiệu quả truyền đạt cảm xúc. Hơn nữa, đóng khung còn giúp người xem cảm thấy họ đang ở trong bức ảnh hơn là đang nhìn nó.

3. Điểm quan sát

Ảnh: Instagram

Chúng ta thường thấy những nhiếp ảnh gia thường quỳ, nằm xuống để hướng gốc máy lên chủ thể trông khá vất vả nhưng thực ra đó là cách họ tạo không gian, chiều sâu cho bức ảnh. Không phải chỉ chụp chính diện là bức ảnh sẽ thu hút mà việc chọn vị trí bấm máy cũng vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ tạo nên một sản phẩm mới mẻ, độc đáo.

4. Kết nối tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh

Ảnh: Instagram

Việc kết hợp tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh hài hòa và có chủ đích sẽ giúp bạn có một bố cục sáng tạo, thống nhất và không gây rối mắt. Toàn bộ nội dung của bức ảnh sẽ được rõ ràng hơn và tạo cho người xem cảm giác bị hút vào không gian sâu thăm thẳm của bức hình.

5. Độ sâu trường ảnh

Ảnh: Instagram

Não của chúng ta thường tiếp nhận những vật ở gần trước rồi mới hướng tầm mắt ra xa, do đó, để đánh lừa thị giác của người xem, những người chơi ảnh rất hay áp dụng kĩ thuật này. Đầu tiên là tạo độ nét cho chủ thể ở phía trước, sau đó là làm mờ hậu cảnh, kết quả là người xem sẽ liên tưởng chủ thể trong bức hình ở rất xa hậu cảnh và họ sẽ chỉ chú tâm vào chủ thể và không bị phân tâm vào phần nền.

6. Nắm bắt khoảnh khắc ánh sáng đẹp

Ảnh: Instagram

Ánh sáng là một công cụ hữu ích cho việc tạo ra một không gian thứ ba, khi đó bức ảnh sẽ đạt được chiều sâu tuyệt vời, điều này là bởi vì đôi mắt của bạn tự nhiên được hút với ánh sáng.

7. Đổ bóng

Ảnh: Instagram

Muốn tạo đổ bóng cho chủ thể không hề dễ áp dụng vì nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố bên ngoài và đặc biệt còn đòi hỏi độ nhạy của người chụp phải rất cao. Cũng vì lý do này mà những bức hình đổ bóng rất có giá trị và sẽ mang lại hiệu ứng 3D ngay lập tức.

8. Phối cảnh kiểu thu nhỏ

Ảnh: Internet

Khi nói đến việc tạo chiều sâu cho ảnh, phối cảnh kiểu thu nhỏ để thể hiện cái nhìn xa xăm là phương pháp đáng học hỏi. Để thực hiện, bạn nên chọn các chủ thể đồng nhất, tốt nhất là cùng một loại về màu sắc, hình dạng và kích cỡ bởi thị giác con người chỉ bị thu hút khi các vật thể có cùng kích thước nhưng khác nhau về khoảng cách.

9. Phối cảnh trên không

Ảnh : Instagram

Phối cảnh kiểu này từ lâu đã trở thành một chuẩn mực kinh điển trong hội họa, do đó, khi áp dụng vào nhiếp ảnh, những bức ảnh được tạo ra sẽ vô cùng mờ ảo, “tâm trạng”. Khoảng cách, ranh giới của các chủ thể như hòa vào nhau tạo nên một không gian bí ẩn và khơi gợi trí tò mò của người xem.

10. Tăng cảm giác về chiều sâu bằng màu sắc

Ảnh: Instagram

Màu sắc chính là yếu tố rất hiệu quả để tăng chiều sâu cho ảnh khi chúng ta kết hợp khéo léo màu sắc của các chủ thể. Những gam màu nóng, lạnh nếu được pha trộn tinh tế cùng với bố cục độc đáo sẽ mang đến cho người xem một câu chuyện đa chiều mà người chụp muốn kể qua tác phẩm của mình.

11. Chụp qua một cái gì đó

Ảnh: Instagram

Đây là kĩ thuật thường dùng trong các bức ảnh chân dung nhằm làm nổi bật hình ảnh chủ thể. Thông thường, những nhiếp ảnh gia sẽ chụp xuyên qua một đám cỏ, cành cây hoặc những cánh hoa đang rơi,…để thêm cảm giác về chiều sâu. Họ cũng áp dụng nó trong chụp ảnh phong cảnh khi làm mặt trời ẩn hiện sau bụi cỏ lau trong sương sớm,…

12. Phơi sáng đúng nghĩa

Ảnh: Instagram

Độ tương phản giữa ánh sáng và bóng tối càng cao thì sẽ tạo cảm giác lớn hơn cho một bức ảnh có chiều sâu. Máy ảnh kỹ thuật số hoạt động rất tốt ở độ phơi sáng trung tính nhưng không phải là cách hiệu quả nhất. Hãy tạo ra một bức ảnh phơi sáng đúng nghĩa bằng chính những gì bạn cảm và tận dụng được.

13. Tạo các lớp

Ảnh: Instagram

Khi nhìn một bức ảnh chụp theo phong cách này, bạn sẽ có cảm giác nó được tạo nên bởi nhiều lớp khác nhau, hệt như một tác phẩm tranh vẽ. Bằng cách chia ra nhiều lớp với độ tương phản, mắt người sẽ nhận ra các mặt phẳng khác nhau và hiểu được phối cảnh trong ảnh, nhờ đó bức ảnh trở nên ấn tượng và “điện ảnh” hơn.

Bài viết tổng hợp từ vsion.vn


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *