Với nhiều người, Graffiti chính là thể hiện cho sự phóng khoáng, tự do đến mức lố bịch và họ luôn cho rằng việc Graffiti ra đời là “tội lỗi”, phi nghệ thuật. Nhưng có phải thật sự là như vậy hay chỉ là cái nhìn phiến diện của những tư tưởng lỗi thời, bảo thủ?

Graffiti được định nghĩa như thế nào cho đúng?

Graffiti là những bức tranh phun sơn được vẽ lên tường hoặc trên giấy. (nguồn: Internet)

Graffiti là gì? Graffiti là những bức tranh phun sơn được vẽ lên tường hoặc trên giấy với những hình ảnh, chữ viết tạo cảm giác 3D nguệch ngoặc, trầy xước, pha chút hơi hướng hip-hop, b-boying. Nội dung trong những bức tranh Graffiti mang thông điệp xã hội rất rõ ràng của một bộ phận giới trẻ. Chính sự “trần” và “mộc” ấy đã tạo nên một phong cách tranh vẽ rất riêng, vượt ra khỏi mọi khuôn khổ của thời đại.
Theo dòng chảy của sự phát triển, Graffiti đã được rất nhiều quốc gia công nhận là một loại hình nghệ thuật đường phố mà giới trẻ rất ưa chuộng. Ở Việt Nam, Graffiti du nhập vào những năm 90 của thế kỉ XX và đến nay đã được phổ biến khá rộng rãi.

Các nghệ sĩ Graffiti nổi tiếng
1. Banksy (Robert Banks)

Với Banksy, Graffiti là cách ông chạm vào cuộc sống (nguồn: Internet)

Từ lâu, trong giới Graffiti không ít người đã tôn ông lên đến bậc “thánh sống” vì sự thành công của ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ đường phố khác. Chính ông đã điểm tô cho quê hương của mình – Bristol, Anh trở thành một trong những nơi “bảo hộ” cho Graffiti phát triển. Nhờ đó, người ta nhận ra rằng các bức tường, hầm cầu cũ kỹ cũng có thể là một tác phẩm nghệ thuật.
Các tác phẩm mang tính chất bốc đồng cũng dần bớt đi, thay vào đó là các tác phẩm có đầu tư, mang thông điệp rõ ràng và tạo thiện cảm hơn.

Graffiti luôn mang nhiều màu sắc và phong cách độc đáo (nguồn: Internet)

2. JonOne (John Andrew Perello)

Nghệ sĩ Graffiti JonOne bên niềm đam mê bất tận (nguồn: Internet)

Bằng việc tự học, người đàn ông đến từ New York này đã trở thành một phần của nghệ thuật Graffiti ở tuổi 17. Đối với ông, nghệ thuật luôn là kim chỉ nam hướng đến những cảm xúc thuần khiết, và điều luôn thôi thúc ông tiến về phía trước chính là cảm giác “trôi theo dòng chảy nghệ thuật” và “chia sẻ ước mơ”.
Cũng vì lý do này mà các tác phẩm Graffiti của ông là sự hòa quyện của những gam màu rực rỡ cùng những nét vẽ hài hòa.

Nguồn cảm hứng của những bức vẽ Graffiti là những mảnh vụn được góp nhặt từ trải nghiệm thực tế (nguồn: Internet)

3. Ratur (Arthur Maslard)

Phong cách đường phố là hơi thở chính của Graffiti (nguồn: Internet)

Những người Pháp thường mang cho mình phong cách lãng mạn, nhẹ nhàng, thanh lịch nhưng Ratur lại chọn đi theo con đường Graffiti bụi bặm, nổi loạn và phá cách. Đó chẳng hề là trở ngại với những nghệ sĩ chân chính, anh đã chứng minh cho cả thế giới thấy tài năng của mình qua tác phẩm “Le Havre’s skatepark” – một tác phẩm Graffiti ngoài trời lớn nhất ở Pháp.
Có thể thấy, hầu hết các bức tranh phun sơn của anh mang hơi hướng “quái” và “dị”, đôi khi khiến người xem sởn gai óc.

Đôi khi người xem sẽ cảm thấy rùng rợn với những bức Graffiti là sự kết hợp giữa 3D và cổ điển (nguồn: Internet)

Những “thánh địa” Graffiti trên thế giới
Đến với những thành phố này, bạn sẽ được mãn nhãn với không gian nghệ thuật độc đáo, có một không hai dù đang dạo bước trong những con hẻm nhỏ.

1. New York, Mỹ

Những bức vẽ Graffiti tràn ngập mọi ngõ ngách thành phố (nguồn: Internet)

Được mệnh danh là “thánh địa Graffiti”, New York thu hút những người đam mê nghệ thuật và khách du lịch bởi những bức tranh táo bạo, phong trần, đậm chất hiện thực. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng được kể bằng những nét vẽ tinh tế nhưng đầy ma thuật của các nghệ sỹ lớn như Gaia, Imminent Disaster, Swoon, Faile hay Judith.

2. Bogota, Colombia

Cái hồn trong Graffiti là điều thu hút nhiều người (nguồn: Internet)

Đôi khi, sự độc đáo đến từ chính những điều đơn giản, qua bàn tay nhào nặn tài hoa của những tâm hồn nhạy cảm, chúng trở nên có hồn và có tiếng nói với thời đại. Lạc vào Bogota, một không gian nghệ thuật Graffiti đầy màu sắc bao trùm lên những bức tường, dọc theo các con phố, chúng ta sẽ cảm nhận được những điều ấy – những điều tươi mới có phần bí ẩn.

3. London, Anh

Khi Graffiti được cách điệu với hình ảnh quyền lực tối thượng (nguồn: Internet)

Pha trộn giữa nét cổ kính và hiện đại, London là nơi truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ Graffiti nổi tiếng để lại dấu ấn của mình. Với vô vàn những suy nghĩ, ý niệm từ khắp nơi trên thế giới, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm Graffiti độc nhất vô nhị không lẫn vào đâu được.

4. Melbourne, Úc

Người xem sẽ được thưởng thức một bữa tiệc thị giác thịnh soạn với những tác phẩm Graffiti độc đáo tại Melbourne (nguồn: Internet)

Trước đây, Graffiti luôn bị phản đối quyết liệt ở thành phố này nhưng giờ đây, người dân Melbourne rất hãnh diện và tự hào khi giới thiệu với thế giới nét đặc sắc rất riêng này của mình. Mọi người đều có thể là nghệ sĩ và họ được thoải mái thể hiện quan điểm, cái nhìn của mình về cuộc sống. Melbourne đã thực sự được lột xác và trở thành thiên đường cho những ai đam mê của giấy nến, các bức tranh hoành tráng, wheatpastes và nghệ thuật poster.

5. Sao Paolo, Brasil

Tình yêu với bóng đá được gửi gắm vào Graffiti ở Brasil (nguồn: Internet)

Có thể nói Sao Paolo là hiện thân của một gallery ngoài trời quy mô lớn với phong cách Latinh đậm chất và tất cả những “ông trùm” trong làng graffiti đều xách cọ và sơn tới đây. Trên mọi con đường trong thành phố, các nghệ sĩ thể hiện cá tính của mình qua nét cọ đầy màu sắc, thay đổi từng ngày diện mạo thành phố.

Kết luận: Vượt qua nhiều định kiến cũng như thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển, Graffiti ngày càng được phổ biến và đón nhận mạnh mẽ vì chất “thật” trong cách thể hiện và ý nghĩa bao hàm.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *